Dân ca là sản phẩm của người bình dân lao động, là tiếng nói, tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca gắn bó với sinh hoạt, đời sống người lao động và có sức sống mạnh mẽ trong lòng người dân ở mọi vùng miền. Đó là tài sả n quý báu mà ngày nay chúng ta được kế thừa từ những sáng tạo trong tiến trình phát triển lịch sử của cha ông ta, để rồi từ đó Dân ca Việt Nam nói chung, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc nước nhà. Ngày 27/11/2014 tại Paris, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được Unessco vinh danh là văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Nghệ An là tỉnh đi đầu trong phong trào “đưa Dân ca vào trường học”. Để lan toả tình yêu, hiểu được giá trị của các làn điệu bình dị, mộc mạc mà đầy ý nghĩa này, chiều ngày 11 tháng 2 năm 2023, tại trường THPT DTNT Tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp cho học sinh khối 11 với chủ đề “ Hội thi tìm hiểu và hát Dân ca”.
Ban tổ chức đã chia ra 3 đội chơi Sông Lam, Hương Rừng, Suối Ngàn với các phần thi Chào hỏi, Kiến thức và Tài năng. Các đội trả lời các gói câu hỏi đưa ra từ ban tổ chức về Dân ca các vùng miền: Dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Dân ca miền núi phía Bắc, Dân ca miền Trung, Dân ca Nam Bộ, Dân ca Tây Nguyên. Trong đó có phần thi về Dân ca Nghệ Tĩnh với nhiều câu hỏi đòi hỏi sự hiểu biết và tìm tòi của các em học sinh. Những điệu Hò, Ví, Giặm của Dân ca Nghệ Tĩnh đã trở thành một dấu ấn in đậm trong lòng người nghe.
Trong phần thi Tài năng, 3 đội đã chọn dự thi các bài “Lý kéo chài” (đội Sông Lam), “Bài ca tôm cá” (đội Hương Rừng), “Bèo dạt mây trôi” (đội Suối Ngàn). Tuy giọng hát chưa xử lý kĩ thuật chuyên nghiệp nhưng các em đã cố gắng nhấn nhá, tròn lời và thể hiện tốt phần thi của mình. Đến phần giao lưu với khán giả, nhiều câu hỏi được các em trả lời sôi nổi, hào hứng. Có những câu khá khó về nghe giai điệu đoán tên tác phẩm, tác giả và thể loại đều được trả lời chính xác. Hội trường càng được làm nóng lên khi em Kha Văn Hà lớp 11A3, em Vi Thị Mai Linh lớp 11C2 tham gia hát các bài dân ca như Điệu Ví Giặm là em, Quan họ Bắc Ninh, Ví đò đưa sông Lam, Lý thương nhau…
Chung cuộc, giải nhất thuộc về đội Suối Ngàn, đội Sông Lam giải nhì và giải ba là đội Hương Rừng.
Buổi sinh hoạt đã mang lại rất nhiều hứng thú, tiếng cười cho các em học sinh. Nâng cao hiểu biết về giá trị các di sản văn hoá truyền thống của địa phương, của đất nước. Khắc sâu kiến thức về Âm nhạc dân gian, về những sinh hoạt Âm nhạc theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Hội thi “Tìm hiểu và hát Dân ca” được sân khấu hoá đã để lại dư âm, lan toả trong trường, sẽ ngấm dần, thấm sâu, giúp các em có thêm nhiều say mê khi tiếp cận, truyền thụ, phổ biến, bảo tồn và phát triển kho tàng Âm nhạc dân gian phong phú của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là dân ca xứ Nghệ nói riêng trong đời sống đương đại.